
Nhớ lại năm 2011 mình ở Hồ Chí Minh làm việc, lúc đó thành phố nổi tiếng vì kẹt xe vô địch thiên hạ. Hà Nội hồi đó tắc đường cũng có nhưng không đạt được cấp độ siêu phàm của Hồ Chí Minh.
Hồi đó người dân thích tặng nhau chữ Nhẫn, thành trend. Mình đi nhà nào cũng thấy chủ nhà khoe chữ Nhẫn rất to treo trên chỗ ngồi. Chữ Nhẫn với bộ Đao trên chữ Tâm, tức là khi nhẫn thì tâm phải đau lắm, như bị dao xẻ vậy. Không biết có phải vì thích chữ Nhẫn mà những thành phố lớn của châu Á đều có đặc sản tắc đường không?
Tắc đường vừa phải chờ tốn thời gian, vừa phải chịu khí thải đầy kim loại nặng, nhích lên từng bước từng bước, mỗi bước chỉ nửa cái bàn chân sau đó lại chờ. Người châu Á rèn luyện sự kiên nhẫn thật tài.
Giờ thì kẹt xe là đặc sản ngày nào cũng phải ăn của hai thành phố lớn. Kẹt xe vào ngày con nước lên như chị em đến kỳ hàng tháng. Kẹt xe thường nhật vào giờ cao điểm lúc sáng khi đưa trẻ đi, đi làm, buổi chiều khi tan làm đón trẻ, chập tối đi chơi. Ngày hai ba bữa đều như ăn cơm. Kẹt xe cục bộ khi có xe lớn đi vào ngõ hẹp.
Với đà tăng của đô thị, khi cư dân sống tập trung tại một vùng với nhu cầu đi lại tương tự nhau thì kẹt xe sẽ là xu thế của nhiều thành phố khác không chỉ hai đầu tàu kinh tế.
Cách mình thường dùng để ứng phó với tắc đường là đi sớm về muộn. Đi sớm từ khi người ta chưa ra khỏi nhà, nếu 8 giờ kẹt xe thì đi từ 7 giờ. Về muộn khi đường đã hết đông, ở Hà Nội tránh giờ tắc đường về nhà cũng phải sau 7 giờ tối. Như vậy một ngày 12 giờ liên tục không ở nhà. Ngoài thời gian làm thì đọc sách, xem tin tức. Cứ như vậy để trốn tránh tắc đường – trốn tránh sự đông đúc của thành thị.
Còn cách nào nữa không?
Vẫn có, đó là bỏ phố về quê!
Trào lưu được nhiều người trẻ hưởng ứng.
Bỏ phố về quê, nghe đã thấy thích.
Thích vì có cây, có không gian, có tiếng chim ríu rít.
Và không có khái niệm tắc đường, kẹt xe.
Quê giờ cũng khác, không có những con đường bụi đất lầy lội. Quê đâu cũng đường nhựa, cũng xi măng. Quê đâu cũng có 4G, wifi. Quê đâu cũng có shipper đưa hàng tới nhà.
Quê giờ khác gì phố về chất lượng sống. Thậm chí nếu bạn coi trọng không khí bạn hít thở, rau bạn ăn, nước bạn uống, thì chất lượng sống ở quê còn cao hơn ở đô thị ồn ào.
Bỏ phố về quê thích hợp với những ai, chúng ta cùng điểm lại nhé:
- Nhóm đối tượng thứ nhất có đặc thù Công việc không cần địa điểm cố định tại thành phố: Như vậy người bán hàng, giáo viên dạy trực tuyến, nhà tư vấn, người hoạt động lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng… những nghề thiên về tri thức và có thể sử dụng internet có lợi thế nhất. Bạn chỉ cần bỏ ra một vài năm, có thể là 3 năm, 5 năm, để tạo lập nền tảng vững chắc bao gồm xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo ra những network của bạn. Và có thể sống phần lớn thời gian ở quê mà không ảnh hưởng tới công việc và chất lượng sống.
- Nhóm đối tượng thứ hai Công việc liên quan tới ngành nông nghiệp: Bạn có thể tận dụng rất tốt những hiểu biết của bản thân trong lĩnh vực nông nghiệp để sống ở quê, làm ở quê và thoải mái ở quê
- Nhóm đối tượng thứ ba là những Người đã tự do tài chính: Tự do tài chính ở nông thôn không cần nhiều tiền như ở thành phố, nhưng vẫn cần nếu bạn từ phố về quê. Mảnh vườn luôn cần thời gian cải tạo, cây trái cần thời gian để lớn, chính bạn cần thời gian để thích nghi. Nếu bạn muốn chi tiết hơn, tự do tài chính được định nghĩa là trong trường hợp mất tất cả các thu nhập chủ động, bạn vẫn chi tiêu duy trì cuộc sống được. Nói cách khác, bạn không cần đi làm vẫn có thể trang trải cuộc sống.
Nếu bạn chưa thuộc vào 3 trường hợp trên thì bạn cần có kế hoạch cân nhắc cụ thể và chi tiết kế hoạch nếu muốn bỏ phố về quê.
Cuộc sống này là để bạn được tận hưởng, trải nghiệm, và mỗi lựa chọn quyết định tương lai đều ảnh hưởng tới trải nghiệm của bạn. Bạn về quê để hạnh phúc, không phải để lo toan nhiều hơn.
Nhịp sống ở quê chậm hơn, an lành hơn, yên ổn hơn.
Cũng có nghĩa là nếu bạn chóng chán thì một chuyến trekking ngắn ngày, thậm chí cả tháng cũng vẫn tốt với bạn so với về quê. Nếu bạn mong cầu địa vị cao, thu nhập lớn trong khi không thể chịu được việc vô danh thì không nên về quê. Nếu bạn về quê chỉ vì ở thành phố người ta không công nhận bạn thì không nên về quê. Nếu bạn về quê để dễ sống, trốn tránh một điều gì đó thì không nên về quê…
Cùng Chữa lành từ Thiên nhiên lên kế hoạch về quê thôi nào:
- Đầu tiên, chúng ta cần Dành thời gian suy ngẫm lại động cơ của việc bỏ phố về quê: Điều gì là động cơ sống của bạn, giá trị sống của bạn ở đâu, sứ mệnh của bạn là gì? Nếu như bạn đã suy ngẫm kĩ và vẫn thấy việc bỏ phố về quê phù hợp với con đường và giá trị của bạn, thì đó là điều chứng tỏ bạn cần bỏ phố về quê
- Tiếp theo, chúng ta cần Xem xét lại năng lực tài chính của bản thân: Kế hoạch tài chính của bạn là gì, bạn đã sẵn sàng cho khoảng 5 năm sống tại thôn quê, sẵn sàng chịu đựng sự thay đổi của môi trường sống hay chưa? Nếu chưa, thì làm gì để đáp ứng được cuộc sống ở quê? Xin lưu ý rằng mọi kế hoạch trồng cây gì nuôi con gì với dân tay mơ hầu như đều khó hơn so với người ở quê chuyên nghiệp, và bạn sẽ khá khó khăn trong thời gian đầu để sinh tồn nếu cái gì cũng phải đi mua. Cho dù có sẵn nhà để ở bạn vẫn cần phải tu sửa lại, trang bị mới, thêm internet…
- Sau đó Lựa chọn môi trường sống: Về quê, nhưng là về đâu. Sống gần gia đình họ hàng, hay tìm một nơi mới. Mỗi lựa chọn đều có ưu nhược điểm riêng. Khi sống gần họ hàng, bạn rất có thể phải sang giúp đỡ dù bạn đang bận, phải trông con hộ… lúc đầu đơn giản nhưng sau cũng phức tạp và bạn cũng quen với đời sống thành phố tương đối độc lập, khi có vài đứa trẻ con chạy chơi phá đồ bạn sẽ thấy hóa ra ở quê không an lành và an toàn như bạn nghĩ. Sống tại vùng quê mới mọi người tương kính như tân, bạn có sự yên tĩnh, nhưng bạn khó tìm được sự hỗ trợ từ gia đình hơn.
Bạn hãy thử thuê một vài địa điểm ở một thời gian ngắn xem bạn có thật sự phù hợp với đời sống ở quê không! Hay điều bạn cần chỉ là thay đổi không gian để có thời gian thư giãn. Hãy về với thiên nhiên, và có rất nhiều nơi để bạn thử nghiệm một vài tuần, một vài tháng thậm chí lâu hơn trước khi quyết định chính thức.